Bún mọc hay còn gọi là bún mộc bắt nguồn từ làng Mọc tại Hà Nội, nổi tiếng với viên mộc giòn dai với nước dùng ngọt thanh. Hiện nay, món ăn được biến tấu với 2 phiên bản đặc trưng của vùng miền. Khám phá ngay 2 công thức cách nấu bún mọc đậm đà, chuẩn vị miền Bắc và miền Nam trong bài viết này nhé!
1. Cách nấu bún mọc miền Bắc
1.1. Nguyên liệu chế biến
- 1kg bún tươi
- 4 cái xương đùi gà
- 1kg chân giò heo
- 300gr thịt xay
- 500gr cà chua
- 200gr dọc mùng
- 300gr dứa
- 50gr me
- 3 muỗng canh nước mắm
- 1 muỗng canh dầu ăn
- 1 muỗng cà phê bột bắp
- 1/2 muỗng cà phê bột nở
- 500gr rau sống ăn kèm (như rau muống chẻ, bắp chuối bào,…)
- 50gr rau quế, ngò gai, ngò om
- Gia vị thông dụng: muối, tiêu xay, đường, bột ngọt
1.2. Cách thức chế biến
Bước 1: Sơ chế chân giò heo
- Dùng lưỡi dao lam sắc nhọn cạo sạch phần lông bám xung quanh phần bì heo.
- Chà xát với muối hạt nhiều lần để khử mùi hôi, rửa lại với nước, dùng dao chẻ làm đôi.
- Bắc nồi nước lên đun sôi, trụng sơ giò heo trong khoảng 2 – 3 phút.
- Vớt ra bỏ vào thau nước lạnh để chân giò giòn dai hơn và khử mùi hôi, cặn bẩn nhanh chóng.
Lưu ý: Bạn có thể thui sơ giò heo với khò hoặc bếp gas để loại bỏ phần lông cứng trên da heo và ăn sẽ thơm ngon hơn. Cần kiểm soát lửa để da heo không bị cháy xém nhanh nhé!
Bước 2: Chế biến nước dùng
- Bắc nồi lên bếp, đun sôi 2 lít nước ở lửa lớn cùng 1 muỗng canh muối, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 4 cái xương đùi gà và chân giò, 1 muỗng canh đường phèn và 1 củ hành tím đập dập.
- Thường xuyên hớt váng bọt nổi trên mặt nước để nước lèo trong, thơm ngon và không còn cặn bẩn.
- Từ từ hạ lửa, đậy vung đun khoảng 15 – 20 phút đến khi chân giờ chín tới, mềm nhừ.
- Sau 20 phút, dùng đũa chọc vào chân giò, nếu thịt đã chín mềm và không còn xuất hiện máu đỏ là đạt chuẩn.
- Vớt chân giò thả vào thau nước lạnh cho nguội vài phút, để ráo và dùng dao thái lát mỏng vừa ăn.
- Nồi hầm xương vẫn tiếp tục đun, thêm vào me chua đun cùng tạo vị chua dịu.
Bước 3: Sơ chế nguyên liệu khác
- Dứa gọt vỏ phần thân và phần mắt dứa, cắt thành miếng nhỏ. Lõi dứa bỏ vào ninh cùng nồi nước dùng cho ngọt nước.
- Cà chua bỏ cuống, rửa sạch và bổ múi cau. Dọc mùng tước vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng và ngâm với nước muối loãng cho mềm.
- Nấm mèo ngâm với nước lạnh khoảng 3 – 4 tiếng cho nở mềm. Rửa sạch và thái miếng nhỏ.
- Các loại rau sống ăn kèm nhặt sạch, ngâm với nước muối loãng cho sạch cát bụi. Vớt ra để ráo.
Lưu ý: Chỉ nên ngâm nấm với nước lạnh để nở nhanh hơn và trung hoà chất morpholine trong nấm.
Bước 4: Chế biến mọc thịt
- Thịt xay đặt trong ngăn đông tủ lạnh khoảng 15 phút cho đông cứng, dễ nhào nặn hơn.
- Cho thịt xay ra bát, nêm nếm gia vị cùng 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng canh dầu ăn, 1 muỗng cà phê bột bắp, 1/2 muỗng cà phê bột nở, 1/4 muỗng cà phê muối và 1/4 muỗng cà phê bột ngọt.
- Đeo găng tay trộn đều hỗn hợp với gia vị cho quyện đều.
- Cho hỗn hợp vào máy xay sinh tố cùng 1 viên đá lạnh, bật máy xay ở tốc độ cao nhất để được khối thịt kết dính.
- Thêm nấm mèo băm nhuyễn vào, xay thêm khoảng 30 giây cho thấm đều là được.
Bước 5: Chế biến nước dùng
- Sau khi hầm nước dùng, vớt bỏ phần xác quả me ra ngoài. Thêm vào 2 muỗng canh nước mắm và cà chua bổ múi cau đun ở lửa lớn.
- Đến khi nước sôi, viên từng viên mọc thành viên tròn vừa ăn và thả vào nồi.
- Mọc chín tới sẽ nổi lên mặt nước, tiếp tục đổ phần dọc mùng đã sơ chế vào đun thêm 2 – 3 phút là được.
- Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn và tắt bếp là hoàn thành nước lèo.
Bước 6: Hoàn thiện món ăn
- Thịt chân giò luộc chín, thái thành những lát mỏng vừa ăn.
- Xếp bún tươi và thịt chân giò heo vào bát, múc viên mộc và dọc mùng lên trên.
- Rắc thêm chút rau quế, ngò gai xắt nhỏ, rưới nước dùng lên trên. Bày biện rau sống ăn kèm và thưởng thức ngay khi còn nóng hổi nhé!
2. Cách nấu bún mọc miền Nam
2.1. Nguyên liệu chế biến
- 400gr sườn heo non
- 300gr xương ống
- 700gr bún tươi sợi nhỏ
- 200gr chả lụa
- 200gr giò sống
- 4 tai nấm mèo
- Hành lá, rau mùi, hành tím, tỏi băm
- Tía tô, húng quế, rau diếp
- Muối, hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu
2.1. Cách thức chế biến
Bước 1: Nấu nước dùng và ướp sườn non
- Xương ống rửa sạch, trụng sơ với nước sôi trong khoảng 2 – 3 phút cho hết cặn bẩn và mùi hôi.
- Bắc nồi lên bếp, đổ 2 lít nước lọc và phần xương ống vào đun sôi ở lửa vừa.
- Nêm nếm cùng 2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê nước mắm.
- Thường xuyên hớt bọt trong quá trình ninh xương để nước dùng trong, không có cặn bẩn nhé!
- Sườn non ngâm với nước muối loãng vài phút, vớt ra để ráo. Dùng dao chặt thành từng miếng nhỏ dài khoảng 2 – 3 cm vừa ăn.
- Cho phần sườn non vào tô, ướp cùng chút tiêu xay, 1 muỗng canh hạt nêm và 1/3 muỗng canh nước mắm. Trộn đều cho ngấm gia vị, ướp trong 15 phút.
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu khác
- Nấm mèo rửa sạch, ngâm nước lạnh cho nở mềm, sau đó băm nhuyễn. Chả lụa cắt thành những lát mỏng vừa ăn.
- Trụng sơ bún tươi với nước sôi khoảng 1 phút để các sợi không dính vào nhau.
- Nhặt sạch các loại rau sống ăn kèm, ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút. Vớt ra để ráo.
- Hành lá cắt bỏ phần gốc, rửa sạch và cắt khúc nhỏ vừa ăn.
Bước 3: Xay nhuyễn hỗn hợp mọc
- Giò sống xay nhuyễn trộn đều với nấm mèo xắt nhỏ, thêm vào gia vị cùng chút hạt nêm, bột ngọt và tiêu xay.
- Để nguyên cho giò sống ngấm gia vị khoảng 30 phút trong ngăn mát tủ lạnh cho đông cứng hơn, dễ nặn hơn. Lấy giò ra, viên thành từng viên tròn nhỏ vừa ăn.
- Nồi nước xương đang ninh sôi, thả viên mọc vào nấu chín sẽ nổi lên trên mặt nước.
- Đồng thời bắc chảo lên bếp, đổ 2 muỗng cà phê dầu ăn vào đun nóng, trút phần hành tìm, tỏi băm nhuyễn vào phi thơm.
- Trút phần sườn non đã ướp vào xào cho đến khi 2 mặt sườn hơi cháy cạnh, săn lại dậy mùi.
- Đổ vào ninh cùng nồi nước dùng và đun sôi trong khoảng 10 – 15 phút nữa là hoàn thành.
Bước 4: Hoàn thiện món ăn
- Xếp lần lượt các nguyên liệu vào tô bao gồm bún tươi, chả lụa và sườn non vào.
- Rắc hành lá, rau mùi xắt nhỏ, rưới thêm phần nước dùng lên và thưởng thức ngay thôi!
3. Lưu ý để nấu bún mọc thành công
Để được nồi bún mọc thơm ngon chuẩn vị, bạn cần lưu ý một số điểm dưới đây:
- Bảo quản thịt ở ngăn đông tủ lạnh ít nhất 2 tiếng trước khi xay. Phần thịt và nước đá bao quanh sẽ làm phần mọc dai giòn hơn.
- Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể bỏ thêm 1 – 2 viên đá vào xay nhuyễn cùng hỗn hợp giò.
- Chỉ nên cho mọc vào đun và thưởng thức ngay để mọc được giòn dai ngon. Đun quá lâu dễ làm phần mọc bở nát, mất thẩm mỹ và ăn không ngon.
- Có thể thêm chả chiên, chả quế, giò bò tùy sở thích để món ăn tăng thêm phần hấp dẫn.
Hy vọng bạn sẽ thành công với hướng dẫn cách nấu bún mọc được chia sẻ trên. Đừng quên mua nguyên liệu tại WinMart hoặc qua app VinID để được tích điểm nhé!
>>> Cách nấu bún ngan ngon khó cưỡng <<< |