Xôi ngũ sắc là món ăn ngon, hấp dẫn của người dân tộc Tày, mỗi 1 màu sắc trên món xôi đều thể hiện các tầng ý nghĩa khác nhau, biểu trưng cho nhiều khát vọng, hy vọng, của người dân đối với cuộc sống. Hôm nay, hãy cùng VinID học cách nấu xôi ngũ sắc thơm ngon cho gia đình cùng nhau thưởng thức nhé.
1. Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc
- Gạo nếp: 1,5 kg
- Nước cốt dừa: 3 thìa canh
- Lá dứa: 1 bó
- Nghệ tươi: 100 g
- Lá cẩm: 1 bó
- Rượu trắng: 1 muỗng canh
- Quả gấc: ½ quả
- Đường: 3 thìa cà phê
- Muối: 5 thìa cà phê
- Muối mè: 1 ít (dùng để ăn kèm)
2. Cách nấu xôi ngũ sắc từ rau củ
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Vo sạch 1,5 kg gạo nếp rồi ngâm với nước lạnh trong 6 giờ hoặc để qua đêm (cho gạo nếp có thêm thời gian nở ra).
- Lá cẩm, lá dứa ngâm nước rửa sạch rồi để ráo.
- Nghệ tươi cạo bỏ vỏ, rửa sạch với nước, giã thật nhuyễn.
Bước 2: Hướng dẫn tạo màu
- Lá dứa (tạo màu xanh):
Chuẩn bị máy xay sinh tố cho lá dứa vào bấm máy xay nhuyễn, đổ thêm 1 ít nước lọc rồi dùng đũa khuấy đều, cho qua rây lọc lấy nước cốt màu xanh và bỏ bã đi (nếu không có rây lọc thì dùng mảnh vải sạch để chắt lấy nước).
- Lá cẩm (tạo màu tím):
Dùng dao thái nhỏ lá thành từng khúc rồi cho vào nồi, thêm 1 ít nước lọc và bắt đầu đun sôi trong vòng 10 phút. Nước sẽ cho ra màu tím (màu của lá cẩm), kế tiếp dùng màng lọc, lọc lấy phần nước màu tím, bỏ lá đi.
- Nghệ tươi (tạo màu vàng):
Nghệ đã giã nhuyễn cho thêm vào 1 ít nước lọc, lọc qua rây bỏ cặn dư thừa, giữ lại nước màu vàng sau đó bỏ bã đi.
- Quả gấc (tạo màu đỏ):
Chuẩn bị 1 tô to cho gấc vào, cho vào thêm 1 chút rượu trắng. Dùng tay bóp gấc và rượu trắng thật kỹ, đến khi thấy hạt tách hết ra phần thịt gấc là đạt, lấy phần thịt gấc và bỏ hạt đi.
Bước 3: Ngâm gạo nếp
- Chia gạo nếp đã chuẩn bị ngâm thành 5 phần bằng nhau vào các chén nhỏ.
- Lấy 1 phần ngâm với nước lạnh để nếp lên màu tự nhiên, cho thêm 1 thìa cà phê muối (ngâm trong vòng 2 giờ).
- 3 phần còn lại ngâm riêng lần lượt với nước cốt lá cẩm, nước cốt lá dứa, nước nghệ tươi. Thêm 1 thìa canh nước cốt dừa, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường vào mỗi phần (ngâm trong vòng 3 giờ).
- Phần cuối cùng sẽ trộn chung với thịt gấc, cho vào 1 thìa cà phê muối trộn đều tay.
Bước 4: Hấp xôi ngũ sắc
- Cho gạo nếp sau khi ngâm vào nồi hấp xôi, chia đều các màu gạo nếp ra bằng giấy nến (chia làm 5 phần bằng nhau).
- Bật nồi lớn lên bếp và cho lửa lớn (để các hạt gạo nếp được nở chín đều các mặt).
- Để xửng hấp xôi lên, đậy nắp và hấp trong vòng 30 phút.
- Cứ mỗi 10 phút mở nắp 1 lần, dùng khăn khô lau sạch hơi nước đọng trên nắp. Sau khi hấp 30 phút thì mở nắp dùng đũa xới tơi xôi lên (nếu thấy xôi khô có thể cho vào thêm 1 chút nước).
- Hấp thêm 1 khoảng thời gian nữa cho đến khi xôi chín mềm thì tắt bếp và hoàn thành.
3. Thành phẩm
Xôi ngũ sắc sau khi hoàn thành có màu rất tuyệt và hấp dẫn, khi ăn sẽ có vị mềm dẻo, ngọt, bùi nhưng không ngấy. Bạn có thể ăn kèm xôi với muối mè đường hoặc muối đậu phộng sẽ càng thêm thơm ngon và bắt vị.
4. Cách trang trí xôi ngũ sắc
Trình bày 5 màu của xôi trên cùng 1 mâm có hình cánh hoa ban để thể hiện tình yêu thương, lòng tôn kính đối với ông bà, cha mẹ (theo quan niệm của người Tày).
5. Lưu ý khi nấu xôi ngũ sắc
- Khi xôi bị khô thay vì cho thêm 1 ít nước lọc, bạn có thể dùng nước cốt dừa.
- Ngâm gạo bằng nước cốt dừa sẽ làm xôi dẻo bùi, mùi vị thơm ngon hơn.
- Nước dùng để nấu sôi phải là nước suối tinh khiết thì xôi mới có được mùi thơm đặc trưng.
- Phải chọn được nếp tốt thì nấu xôi mới thơm ngon.
6. Ý nghĩa xôi ngũ sắc trong văn hóa người Tày
- Xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng của đồng bào dân tộc Tày trong các dịp lễ, Tết. Xôi có 5 màu tượng trưng cho triết lý âm dương ngũ hành, mang ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, chủ yếu là dùng nguyên phụ liệu tự nhiên để tạo màu thì món ăn mới thêm phần bổ dưỡng.
- Màu vàng đại diện lương thực, ngũ cốc, hoa màu; màu đỏ thể hiện sự nhiệt huyết; màu tím đại diện cho đất đai màu mỡ, trù phú, phì nhiêu; màu trắng mang ý nghĩa tình yêu chung thuỷ, sắc son; màu xanh còn gắn liền với trang phục truyền thống của người Tày.
- Đối với người Tày, thói quen ăn xôi ngũ sắc trong các ngày lễ đặc biệt sẽ giúp họ gặp thêm nhiều điều may mắn, tốt lành. Ngoài ra nấu được xôi ngũ sắc cũng là niềm tự hào của chị em phụ người Tày bởi nó thể hiện sự khéo léo, đảm đang của họ trong mắt người khác.
Với công thức cách nấu xôi ngũ sắc vừa được chia sẻ, VinID hy vọng bữa ăn cho gia đình của các bạn sẽ thêm phần phong phú, đa dạng. Đừng quên chọn mua nguyên liệu tươi ngon, chất lượng cho gia đình tại chuỗi hệ thống VinMart hoặc đi chợ online trên ứng dụng VinID để được tích điểm nhé!
>>> Cách nấu xôi thơm nức <<< |