Trứng gà không chỉ là một nguồn thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng đối với các bà bầu mà còn hỗ trợ ngăn ngừa dị tật ở thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu nên ăn trứng gà như thế nào để tận dụng hết nguồn dưỡng chất trong trứng. Cùng khám phá cách làm các món ăn từ trứng gà cho bà bầu giúp mẹ bầu vừa ăn ngon, vừa đảm bảo sức khỏe dưới đây nhé!
1. Giá trị dinh dưỡng của trứng gà đối với mẹ bầu
1.1. Giá trị dinh dưỡng
Trong 100g trứng cung cấp 166 calo với hàm lượng cao các chất dinh dưỡng như:
- Protein: 14.8 gam
- Chất béo: 11.6 gam
- Glucid: 0.5 gam
- Chất xơ: 0 gam
- Các loại vitamin: Folate (47 mcg), vitamin B12 (1.29 mcg), vitamin A (700 mcg), vitamin D (0.88 mcg), vitamin K (0.3 mcg)…
- Chất khoáng: Canxi (55 mg), sắt (2.7 mg), kali (176 mg), kẽm (0.9 mg), magie (11 mg)…
1.2. Lợi ích của trứng gà đối với mẹ bầu
- Cung cấp năng lượng
Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu cần nạp thêm nhiều năng lượng hơn (ít nhất 200 – 300 calo/ngày) so với bình thường. Trong 100g trứng gà cung cấp cho mẹ khoảng 166 calo, chỉ hơn 1/2 số calo mà mẹ cần nạp thêm mỗi ngày. Vì vậy, ăn trứng gà khi mang bầu vừa có lợi cho sức khỏe của mẹ bầu, vừa duy trì một thai nhi khỏe mạnh.
- Hỗ trợ thai nhi phát triển khỏe mạnh
Mỗi tế bào của thai nhi được hình thành và phát triển nhờ protein. Với 14,8 gram protein sẽ giúp thai nhi phát triển tế bào, cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch,… Trứng gà với hàm lượng protein vừa đủ, giúp thai nhi phát triển an toàn mỗi ngày.
- Phát triển hệ thống thần kinh và não bộ của thai nhi
Kẽm, choline, acid béo, omega-3 là nền tảng để xây dựng não bộ của bé cũng như toàn bộ cơ thể. Đặc biệt, chất folate trong trứng gà còn giúp ngăn ngừa các khuyết tật ở ống thần kinh của thai nhi.
- Hạn chế các bệnh lý do thiếu vitamin D
Vitamin D rất quan trọng cho cả mẹ bầu và thai nhi nhưng hiếm thấy trong nhiều nguồn thực phẩm hàng ngày. Với 0,88 mcg vitamin D trong 100g trứng gà, các mẹ bầu dễ dàng tránh các bệnh lý về thai sản như tiểu đường, tiền sản giật,…
- Cân bằng chất béo bão hòa
Theo nhiều nghiên cứu, mẹ bầu có mức cholesterol bình thường chỉ nên ăn từ 1 – 2 quả trứng gà mỗi ngày để cân bằng lượng chất béo bão hòa trong cơ thể. Ngược lại, đối với những mẹ bầu có mức cholesterol cao khi ăn trứng không nên ăn lòng đỏ.
2. Công thức các món ăn từ trứng gà cho bà bầu
2.1. Canh trứng gà ngải cứu
Nguyên liệu:
- 1 – 2 quả trứng gà
- Ngải cứu
- Hành khô
- Gia vị: Hạt nêm, muối,..
Cách chế biến:
B1: Sơ chế nguyên liệu
- Ngọn ngải cứu nhặt lấy các lá non, rửa sạch, vớt ra để ráo nước, thái thành khúc nhỏ.
- Đập trứng ra tô, dùng đũa đánh tan.
- Hành khô bóc vỏ, dùng dao băm nhỏ.
B2: Xào ngải cứu
- Đun nóng dầu trên bếp, chờ dầu sôi, cho hành khô đã băm nhỏ vào phi thơm
- Cho ngải cứu vào xào qua, nêm gia vị cho vừa ăn, đảo đều.
B3: Nấu canh
- Đổ thêm một bát con nước vào nồi rồi tiếp tục đun
- Đổ hỗn hợp trứng từ từ vào nồi nước ngải cứu đã sôi
- Dùng đũa khuấy đều nhẹ nhàng cho đến khi trứng chín là hoàn thành món ăn.
Lưu ý: Ngải cứu có tính ấm giúp điều hòa khí huyết, an thai. Tuy nhiên, ngải cứu chứa Thujone – chất kích thích gây co bóp tử cung, sảy thai hoặc sinh non. Với những mẹ có bệnh lý về thận, Thujone có thể gây suy thận ở mẹ bầu. Vì vậy, mẹ bầu không nên ăn quá 3 ngọn ngải cứu mỗi lần và một tuần không nên ăn quá hai lần.
2.2. Canh trứng gà và giấm
Nguyên liệu:
- 1 quả trứng gà
- 60ml giấm ăn
- 30g đường trắng
Cách chế biến:
B1: Đun 60ml giấm ăn. Khi giấm sôi, đổ 30g đường vào nồi, dùng đũa khuấy đều cho tan.
B2: Nấu canh trứng
- Đập 1 quả trứng vào hỗn hợp giấm đường
- Đun thêm khoảng 1 – 2 phút cho đến khi trứng chín là có thể thưởng thức.
Mẹ bầu có thể ăn 2 ngày 1 lần. Món ăn giúp giảm thiểu tình trạng ốm nghén khó chịu, tăng sức đề kháng, kiểm soát cân nặng và giúp da đẹp hơn.
2.3. Trứng gà hấp lá mơ
Nguyên liệu:
- 1 nắm lá mơ vừa ăn
- 2 quả trứng gà
- Hạt nêm, mắm,…
- 2 miếng lá chuối tươi to
Cách chế biến:
B1: Rửa sạch lá mơ, thái khúc nhỏ.
B2: Pha chế
- Đập thêm 2 quả trứng gà vào tô lá mơ vừa thái.
- Nêm nếm gia vị vừa ăn, dùng đũa đánh đều hỗn hợp trứng lá mơ đến khi các nguyên liệu hòa quyện với nhau.
B3: Tiến hành nấu:
- Cách 1: Khi nồi cơm chuyển sang chế độ warm, đặt tô hỗn hợp trứng lá mơ vào trong. Khi cơm chín là có ngay món trứng hấp lá mơ thơm ngon.
- Cách 2: Cho hỗn hợp trứng lá mơ vào nồi hấp cách thủy khoảng 20 phút.
- Cách 3: Đặt chảo lên bếp, đặt 1 miếng lá chuối lên bề mặt chảo. Đổ hỗn hợp trứng lá mơ vào và dàn đều khắp bề mặt lá chuối. Úp miếng lá chuối thứ 2 lên trên bề mặt trứng. Đậy vung lại, đun ở lửa nhỏ cho trứng chín om là có thể ăn được.
2.4. Trứng gà xào đậu non
Nguyên liệu:
- 100g thịt gà
- 300g đậu phụ non
- 2 quả trứng
- 30g cà rốt
- 30g đậu hà lan
- 3 tai nấm đông cô
- 30g hành lá
- Dầu mè, đường, nước tương, muối
Cách chế biến:
B1: Sơ chế nguyên liệu
- Thịt gà rửa sạch với nước muối pha loãng, cắt khối vuông nhỏ vừa ăn.
- Rửa sạch đậu hà lan, trần qua với nước sôi khoảng 1 phút, để nguội và thái thành khúc nhỏ.
- Bỏ vỏ, rửa sạch cà rốt và thái sợi.
- Ngâm nấm đông cô trong 45ml nước trong khoảng 15 phút, vớt ra và thái sợi nhỏ. Giữ lại phần nước ngâm nấm.
- Rửa sạch hành lá và thái khúc nhỏ.
- Đập trứng vào tô, dùng đũa đánh tan hỗn hợp.
B2: Đậu phụ non luộc trong nước sôi khoảng 3 phút rồi vớt ra đĩa để ráo.
B3: Tiến hành xào hỗn hợp
- Đun nóng dầu mè trên chảo, đợi dầu nóng, cho phần đầu hành đã cắt nhỏ vào phi thơm.
- Cho cà rốt, nấm đông cô vào đảo đều. Sau đó cho thịt gà vào đảo đều.
- Chờ gà chín, cho đậu hà lan và đậu phụ vào chảo, đảo nhẹ nhàng để đậu tránh bị nát. Xào với lửa lớn để nước cạn bớt.
- Nêm thêm các gia vị muối, đường, nước tương vừa ăn.
- Đổ nước ngâm nấm đông cô vào chảo. Tiếp tục đảo đều cho đến khi nước cạn bớt.
B4: Xào trứng
- Thêm hỗn hợp trứng vào, đảo thật đều tay và nhẹ nhàng.
- Khi trứng vừa chín tới, thêm hành lá vào, đảo đều tay và tắt bếp là hoàn thành món ăn.
3. Lưu ý cần biết khi bà bầu ăn trứng gà
Lợi ích của trứng gà đối với mẹ bầu là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu không sử dụng đúng cách thì có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Một vài lưu ý để các mẹ bầu ăn trứng an toàn:
- Nên ăn trứng vào bữa sáng
Ăn trứng vào bữa sáng giúp hấp thu các chất dinh dưỡng trong trứng gà tốt nhất. Ăn trứng vào buổi tối dễ khiến mẹ bầu bị đầy hơi, chướng bụng do hệ tiêu hóa làm việc quá sức.
- Không ăn quá nhiều trứng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi tuần mẹ bầu chỉ nên ăn từ 3 – 4 quả trứng. Nếu các mẹ bầu gặp tình trạng tăng cân nhanh hoặc có tiền sử mắc bệnh tim thì chỉ nên ăn 1 quả trứng 1 tuần. Với các mẹ bầu có hàm lượng cholesterol trong máu cao thì chỉ nên ăn lòng trắng trứng, hạn chế lòng đỏ trứng.
- Không nên ăn trứng gà sống
Việc ăn trứng lòng đào hay trứng gà sống có thể khiến mẹ bầu gặp tình trạng ngộ độc do vi khuẩn salmonella. Vi khuẩn này ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi gây sinh non, co bóp tử cung, khiến mẹ bầu mất nước do tiêu chảy và ói mửa. Vì vậy, khi ăn mẹ bầu cần làm trứng chín hoàn toàn để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
- Không nên ăn trứng đã để quá lâu
Trứng gà khi để lâu sẽ bị mất chất dinh dưỡng và tạo ra nhiều vi khuẩn có hại cho mẹ bầu và thai nhi. Vì vậy, chỉ nên ăn trứng gà ngay sau khi đã chế biến, tránh ăn trứng gà đã để qua đêm.
Trứng gà chứa hàm lượng dưỡng chất cao, đặc biệt tốt cho cơ thể mẹ bầu và thai nhi. Hãy mua những quả trứng tươi ngon, có kiểm định qua app VinID để trổ tài với công thức món ăn từ trứng gà cho bà bầu này nhé!
>>> Bà bầu nên ăn gì tốt cho thai nhi? <<< |