Bánh đúc mặn là món ăn dân dã, gần gũi, khiến ai ăn rồi cũng khó mà quên được hương vị thơm ngon của nó. Cùng VinID bắt tay vào bếp thực hiện ngay cách làm bánh đúc mặn chuẩn vị, ngon lạ miệng nhé!
1. Cách làm bánh đúc mặn kiểu miền Nam
Nguyên liệu
- Bột gạo xay: 100gr
- Bột năng: 15gr
- Thịt heo xay: 200gr
- Hành lá tươi: 2 nhánh
- Cà rốt: 1 củ
- Sắn tươi: 1 củ
- Hành tím: 3 củ
- Tỏi: 4 tép
- Ớt tươi: 3 trái
- Nước cốt dừa: nửa chén
- Chanh tươi: 1 trái
- Nước mắm
- Các loại gia vị thông dụng
Các bước thực hiện
Bước 1: Làm bột bánh đúc
- Chuẩn bị một tô cỡ vừa để làm bột bánh đúc mặn. Cho những nguyên liệu sau vào tô:
- Bột gạo
- Bột năng
- Muối ăn: 1 muỗng cà phê
- Nước lọc: 300ml
- Nước cốt dừa: nửa chén
- Khuấy bột.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu
- Đem cà rốt và củ sắn đi rửa thật sạch, thái tất cả thành sợi rồi băm thật nhuyễn.
- Bóc hết vỏ hành tím và tỏi, thái nhuyễn.
- Rửa sạch hành lá, cắt bỏ gốc và những lá úa vàng, băm nhuyễn.
- Rửa sạch ớt tươi, cắt bỏ cuống ớt và băm nhuyễn.
- Ướp thịt heo xay cùng với các nguyên liệu gồm:
- Hạt nêm: 1 muỗng cà phê
- Bột ngọt: ½ muỗng cà phê
- Tiêu xay: ½ muỗng cà phê
- Nước mắm: 1 muỗng cà phê
- Hành tím băm: ½ muỗng canh
- Trộn đều các nguyên liệu, đậy kín tô ướp bằng nắp hoặc màng bọc thực phẩm. Để trong ngăn mát tủ lạnh 15 phút để thịt ngấm đều gia vị.
Bước 3: Hấp bánh đúc
- Quét một lớp dầu ăn mỏng lên khuôn bánh trước khi hấp. Khuấy đều tô bột bánh đúc một lần nữa. Cho vào khuôn ⅓ phần bột bánh.
- Đun sôi 1 lít nước, cho khuôn bánh vào nồi để hấp cách thuỷ.
- Cách đều mỗi 7 phút thì cho thêm ⅓ phần bột vào khuôn đến khi hết bột.
- Hấp bột bánh đúc mặn thêm 15 phút nữa đến khi chín đều. Để kiểm tra độ chín, xăm một cây tăm tre vào bánh. Nếu bột không còn dính vào tăm nữa thì có nghĩa là bánh đã đủ chín rồi.
- Lấy bánh ra khỏi khuôn và chờ đến khi nguội hẳn.
Bước 4: Xào nhân bánh đúc mặn kiểu miền Nam
- Đun nóng 2 muỗng canh dầu ăn. Cho vào tỏi và hành tím băm phi thơm.
- Cho thịt xay vào khuấy đều.
- Thêm vào chảo 50ml nước lọc, cà rốt và sắn cắt nhỏ. Đảo đều thêm 3 phút. Đợi đến khi nước sôi và các nguyên liệu chín thì tắt bếp.
- Thả vào chảo tất cả hành lá thái nhỏ, nhanh tay khuấy đều hành khi chảo vẫn đang còn nóng.
Bước 5: Làm nước chấm ăn kèm cho bánh đúc mặn
- Chuẩn bị một chén con để làm nước chấm bánh đúc mặn kiểu miền Nam. Cho các nguyên liệu sau vào chén:
- Đường cát: 1 muỗng canh
- Nước nóng: 50ml
- Nước mắm ngon: 3 muỗng canh
- Ớt, tỏi đã băm nhuyễn
- Nước cốt chanh: ½ muỗng canh
- Khuấy đều.
Thành phẩm
Hương vị đậm đà của nhân sẽ thổi bùng vị ngon, thơm béo nước cốt dừa từ bánh đúc, khiến bạn ăn mãi mà không muốn ngừng đũa.
2. Cách làm bánh đúc mặn kiểu miền Bắc
Nguyên liệu
- Bột gạo khô: 200gr
- Bột năng: 200gr
- Bột nếp thô: 50gr
- Thịt heo xay nhuyễn: 200gr
- Nấm hương khô: 20gr
- Mộc nhĩ khô: 20gr
- Rau ngò: 10gr
- Tỏi băm: 1 muỗng canh
- Hành tím băm: 1 muỗng canh
- Dầu ăn, giấm ăn, nước mắm ngon
- Các loại gia vị thông dụng
Các bước thực hiện
Bước 1: Chế biến thịt ăn kèm bánh đúc
- Ngâm nấm hương và mộc nhĩ vào nước ấm trong 30 phút. Cắt bỏ phần gốc cứng. Rửa lại thật sạch, băm nhỏ.
- Mở lửa vừa phải, làm nóng chảo trên bếp.
- Cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo, đun đến khi dầu thật nóng, phi thơm 1 muỗng canh hành tím băm.
- Vớt ½ số hành phi ra ngoài, để riêng vào một cái chén.
- Tiếp tục cho thịt heo xay, các loại nấm vào chảo. Khuấy đều.
- Nêm vào chảo thịt các loại gia vị gồm: 1 muỗng canh nước mắm ngon, 1 muỗng cà phê tiêu xay, 1 muỗng cà phê muối ăn.
- Xào thịt thêm 10 phút.
Bước 2: Nấu bánh đúc nóng dẻo
- Chuẩn bị một nồi cỡ vừa, cho vào nồi các nguyên liệu gồm:
- Bột gạo khô: 200gr
- Bột năng: 200gr
- Bột nếp: 50gr
- Nước lọc: 1 lít
- Khuấy đều.
- Mở lửa vừa phải, cho nồi bột lên bếp và liên tục khuấy để bột chín từ từ và đặc sánh lại thành một khối với nhau.
- Cho thêm 1 muỗng canh dầu ăn vào nồi bột. Dùng đũa khuấy thật đều tay thêm 1-2 phút nữa rồi hạ nồi và tắt bếp.
Bước 3: Làm nước mắm ăn kèm với bánh đúc mặn
- Chuẩn bị một chén con để làm nước mắm ăn kèm với bánh đúc mặn. Cho những nguyên liệu bên dưới vào chén gồm:
- Nước ấm: 2 muỗng canh
- Đường cát: 1 muỗng canh
- Giấm ăn: 1 muỗng canh
- Nước mắm ngon: 1 muỗng canh
- Tỏi băm, ớt băm nhuyễn
- Khuấy đều.
- Cho bánh đúc ra tô hoặc chén, múc một ít thịt xào với nấm lên trên, thêm một chút hành phi để tạo mùi thơm và một ít rau ngò.
- Chan lên chén vài muỗng nước mắm vừa pha rồi thưởng thức ngay khi còn nóng để hương vị ngon hơn.
Thành phẩm
Bánh đúc mặn kiểu miền Bắc mang hương vị đặc trưng, thơm ngon, dẻo mịn. Hương vị của thịt xào nấm đậm đà, cùng vị mắm ngon ngọt. Chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên được hương vị nồng nàn của món ăn dân dã này.
3. Cách làm bánh đúc mặn Tàu của người Hoa
Nguyên liệu
- Bột gạo khô: 300gr
- Thịt ba rọi tươi: 250gr
- Củ su hào: 400gr
- Tôm thẻ tươi: 250gr
- Mộc nhĩ: 20gr
- Hành tím: 2-3 củ
- Dầu điều: 5 muỗng cà phê
- Đường cát: 1 chén
- Nước mắm nhĩ: ⅓ chén
- Dấm ăn: 6 muỗng canh
- Tỏi băm nhuyễn: 1 muỗng cà phê
- Nước lọc 4 chén
- Nước ấm 650 ml
- Các loại gia vị thông dụng
Các bước thực hiện
Bước 1: Trộn bột
- Trộn đều 300gr bột gạo khô với ½ muỗng cà phê muối bằng 650ml nước ấm cho đến khi bột hoà tan hoàn toàn.
- Để cho bột nghỉ ở nhiệt độ phòng từ 30 phút đến 1 tiếng.
- Khuấy đều.
Bước 2: Hấp bánh
- Đun sôi một lượng nước vừa đủ trong xửng hấp, làm nóng sẵn khuôn trong xửng.
- Sau khi khuôn bánh đã được làm nóng, khuấy đều bột một lần nữa, rồi đổ vào khuôn.
- Lần lượt hấp từng lớp bột, mỗi lớp tầm 5-6 phút dưới lửa vừa, mỗi lớp sẽ có độ dày khoảng 0.5cm.
- Hấp đến khi lớp bột này đặc lại (không cần quá chín) thì tiếp tục đổ lớp bột khác lên trên mặt.
- Hấp bột thêm từ 20-30 phút dưới lửa vừa cho đến khi bột bánh được chín đều hoàn toàn.
Bí quyết hấp bột ngon
- Phủ một lớp khăn lên trên miệng nồi để hơi nước không nhiễu xuống bột bánh trong lúc hấp.
- Bột khi chín sẽ chuyển màu dần trong đều, khi dùng tăm xăm vào thì chỉ bị dính một ít bột đặc là được.
Bước 4: Sơ chế và luộc củ su hào
- Gọt vỏ củ su hào, sau đó rửa sạch rồi thái hạt lựu. Luộc su hào từ 2-3 phút kể từ khi nước sôi đến khi chín đều. Không nên luộc su hào chín quá nhừ sẽ không ngon.
- Cho ngay su hào vào tô nước lạnh, rửa lại su hào với nước một lần nữa và để thật ráo.
- Trộn đều su hào cùng với 3 muỗng cà phê dầu điều để tăng thêm màu sắc.
Bước 5: Làm nhân tôm thịt
- Bỏ chỉ đen và đầu tôm, rửa sạch và để ráo nước.
- Rửa thịt ba rọi thật sạch rồi thái thành những miếng nhỏ đều nhau.
- Ngâm mộc nhĩ trong nước ấm đến khi nở đều, sau đó rửa sạch lại và thái sợi nhỏ.
- Chuẩn bị một tô lớn để làm nhân tôm thịt. Cho những nguyên liệu bên dưới vào tô:
- Tôm đã làm sạch
- Thịt ba chỉ thái nhỏ
- Bột ngọt: 1 muỗng cà phê
- Muối ăn: 1/3 muỗng cà phê
- Đường cát: ⅓ muỗng cà phê
- Dầu điều: ⅓ muỗng cà phê
- Trộn đều tất cả nguyên liệu với nhau. Đậy kín tô ướp bằng nắp hoặc màng bọc thực phẩm. Để trong ngăn mát tủ lạnh để thịt ba chỉ và tôm ngấm đều gia vị.
Bước 6: Xào nhân bánh đúc mặn
- Làm nóng chảo trên bếp, đun nóng 1 muỗng canh dầu điều. Cho vào chảo 2 củ hành tím đã băm nhuyễn và phi thơm.
- Cho phần thịt và tôm đã ướp vào chảo, xào trên lửa lớn đến khi cạn nước.
- Sau đó hạ lửa vừa phải, tiếp tục xào cho đến khi thịt và tôm chín săn lại.
- Và cuối cùng là cho thêm nấm mèo đã cắt sợi vào chảo, xào chín trong 5 phút là hoàn tất.
Bước 7: Làm nước mắm ăn kèm
- Chuẩn bị một tô cỡ vừa. Cho vào tô những nguyên liệu sau:
- Nước ấm: 4 chén
- Đường cát: 1 chén
- Nước mắm ngon: ⅓ chén
- Tỏi băm nhuyễn: 1 muỗng cà phê
- Giấm ăn: 6 muỗng canh
- Khuấy đều.
Thành phẩm
Bánh đúc mặn trắng dẻo, thơm mềm ăn kèm cùng với nhân tôm thịt bùi béo và nước mắm chua ngọt tạo nên một mỹ vị khó quên.
Vậy là bạn đã có thể bỏ túi thêm 3 cách làm bánh đúc mặn vô cùng thơm ngon và cực kỳ lạ miệng. Hương vị của món ăn này sẽ làm cả nhà bạn thích mê cho mà xem. Đến ngay Winmart hoặc truy cập app VinID để mua nguyên liệu tươi ngon lại được tích điểm nhé!
>>> Cách làm bánh đúc lá dứa thơm ngon <<< |