Mô hình kinh doanh Canvas là một mô hình kinh doanh rất nổi tiếng và phổ biến, được nhiều công ty hàng đầu thế giới như Facebook, Google, Nestle,… đang áp dụng. Mô hình này có thể linh động ứng biến để áp dụng với nhiều quy mô doanh nghiệp khác nhau, nhất là startup.
1. Mô hình kinh doanh Canvas là gì?
Mô hình Canvas (BMC) được nghiên cứu phát triển bởi 2 nhà kinh tế người Thụy Sĩ Alexander Osterwalder và Yves Pigneur. Khái niệm này được giới thiệu lần đầu trong cuốn sách bán chạy nhất ngành kinh tế Business Model Generation. Đây là công cụ rất hữu ích cho mọi doanh nghiệp để phân tích, định hình, quản lý chiến lược kinh doanh trong mọi khía cạnh. Mô hình có thể trình bày ra đơn giản trên một trang giấy, dễ hiểu, dễ nghiên cứu.
Ví dụ về mô hình kinh doanh Canvas thành công có rất nhiều. Hàng loạt tập đoàn hàng đầu hành tinh hiện nay như Google, Facebook, GE, P&G, Nestle,… đều đã hoặc đang áp dụng Canvas để lên chiến lược. Điều thú vị là dù công ty nhỏ mới khởi nghiệp hay tập đoàn lớn hàng chục ngàn nhân viên đều có thể áp dụng BMC. Với startup, mô hình sẽ rất có ích trong quá trình kiểm định các giả thiết, đưa ra được lộ trình chính xác sắp tới. Ở Việt Nam hiện có rất nhiều doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề và quy mô đang áp dụng mô hình này.
Cụ thể, mô hình Canvas bao gồm 9 yếu tố – 9 trụ cột được cho là sẽ quyết định đến thành công của doanh nghiệp. Muốn phát triển đầy đủ, vững mạnh, doanh nghiệp cần chú trọng và phát triển, có chiến lược tốt với mọi yếu tố. Thay vì tạo ra những bản kế hoạch kinh doanh dày cộp hàng chục trang theo cách truyền thống vừa lan man vừa khó tiếp cận với nhiều người, vẽ mô hình Canvas sẽ trực quan, đơn giản, dễ hiểu hơn nhiều.
2. Tại sao nên sử dụng mô hình Canvas?
2.1. Giúp bạn có cái nhìn trực quan về thị trường và doanh nghiệp/sản phẩm
Mô hình kinh doanh Canvas có thể trình bày một cách đơn giản, gọn nhẹ trong một bản đồ. Vì vậy khi nhìn vào, chúng ta sẽ có cái nhìn trực quan, toàn diện, tổng thể tốt hơn nhiều những dòng chữ khô khan. Một bản mô hình gọn nhẹ, nêu ý chính, phân tích gọn gàng sẽ giúp nhiều người dễ tiếp cận hơn. Khi bạn cần trình bày về kế hoạch kinh doanh (cho nhân viên cấp dưới, đối tác, nhà đầu tư,…) cũng sẽ thuận tiện hơn cho cả đôi bên.
2.2. Cách viết mô hình kinh doanh Canvas nhanh chóng
Vì tính chất đơn giản, trực quan của mô hình như đã nói ở trên nên việc viết ra mô hình Canvas không hề quá phức tạp. Để tạo mô hình, nhiều người có thể cùng góp sức. Trên giấy sẽ có 9 ô chính tương ứng với 9 yếu tố trụ cột của doanh nghiệp. Mỗi nhân viên hoặc người phụ trách có thể dán giấy nhớ lên các ô, hoặc chỉnh sửa cũng dễ dàng.
2.3. Hiểu rõ mối quan hệ giữa 9 yếu tố cơ bản trong mô hình kinh doanh mới
Điểm quan trọng của Canvas không phải là nêu lên 9 trụ cột của doanh nghiệp, mà là chỉ ra được mối liên hệ khăng khít, bổ trợ qua lại giữa 9 trụ cột đó. Cái nhìn tổng quát và toàn cảnh sẽ cho người điều hành công ty nhiều ý tưởng để thắt chặt 9 yếu tố này, từ đó tăng hiệu suất tất cả các công việc.
2.4. Linh hoạt, dễ ứng dụng, dễ chỉnh sửa
Canvas có thể được trình bày chỉ trong một tờ giấy A4 hoặc một trang slide. Không chỉ vẽ dễ mà việc truyền tay, chia sẻ mô hình cũng thuận tiện. Các thành viên trong tổ chức có thể cùng nhau góp sức để tạo nên một mô hình Canvas chính xác và hoàn chỉnh cho doanh nghiệp của mình.
3. Phân tích 9 yếu tố thành phần trong mô hình kinh doanh Canvas
3.1. Phân khúc khách hàng – Customer Segment (CS)
Yếu tố đầu tiên trong 9 trụ cột là xác định các phân khúc khách hàng. Một doanh nghiệp sẽ có nhiều phân khúc khách hàng, đầu tiên là thị trường đại chúng, sau đó đến thị trường ngách và thị trường hỗn hợp. Cách sắp xếp thứ tự ưu tiên có thể thay đổi tùy vào sản phẩm và định hướng của công ty. Ví dụ, nếu bán sản phẩm tiêu dùng thì tất nhiên đánh vào thị trường đại chúng. Hay hãng xa xỉ phẩm thì chỉ chú trọng thị trường ngách. Để xác định tốt, chúng ta cần thực hiện nghiên cứu thị trường, nhu cầu khách hàng tiềm năng và xu hướng tương lai.
3.2. Giải pháp giá trị (Value Propositions)
Giá trị đặc biệt, vượt trội hơn đối thủ mà sản phẩm/dịch vụ của bạn mang đến là gì? Đây chính là lý do mà khách hàng của bạn lựa chọn mua hàng mà không phải ở nơi khác. Giải pháp giá trị sẽ là chìa khóa thành công đi theo doanh nghiệp suốt chặng đường dài nên ngay từ đầu, có được điểm mạnh thật ấn tượng là rất quan trọng. Giải pháp giá trị được chia thành 2 nhóm lớn:
- Giá trị định lượng: ưu thế về giá cả hay độ hiệu quả của sản phẩm/dịch vụ.
- Giá trị định tính: ưu thế về trải nghiệm, kết quả của sản phẩm.
Để đạt được giải pháp giá trị tốt nhất, chúng ta cần không ngừng nghiên cứu, cải tiến và nâng cấp sản phẩm/dịch vụ của mình ngay cả khi đã hoạt động ổn định.
3.3. Kênh phân phối (Channels)
Không chỉ mô hình kinh doanh Canvas mà mọi mô hình khác đều chú trọng nhiều tới kênh phân phối doanh nghiệp dùng để tiếp cận với khách hàng, bán hàng. Bên cạnh kênh phân phối hàng, yếu tố này bao gồm cả các kênh truyền thông.
Kênh phân phối có thể bao gồm: phân phối trực tiếp (cửa hàng, đội bán hàng trực tiếp,…), phân phối gián tiếp (qua đại lý bán hàng, đối tác,…). Tiêu chí để lựa chọn kênh phân phối có thể là chọn kênh tốn ít chi phí nhất, kênh tiện lợi nhanh gọn nhất. Doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng nhiều kênh phân phối.
3.4. Quan hệ khách hàng (Customer Relationships)
Xây dựng quan hệ với khách hàng là điều vô cùng quan trọng, bất kể là trong giai đoạn nào của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần trả lời câu hỏi: bạn sẽ thu hút khách hàng mới bằng cách nào? giữ chân khách hàng cũ ra sao?
Thực hiện quan hệ khách hàng có thể bao gồm nhiều phương thức:
- Hỗ trợ cá nhân: Có nhân viên chăm sóc một khách hàng từ A đến Z suốt quá trình, thường thấy trong lĩnh vực bán bảo hiểm hoặc bán sản phẩm/dịch vụ có giá trị cao.
- Tự phục vụ: Sử dụng công cụ trả lời tự động
- Cộng đồng: Giao tiếp chung với nhiều hoặc nhóm khách hàng qua kênh như mạng xã hội
3.5. Dòng doanh thu (Revenue Stream)
Doanh nghiệp sẽ thu được lợi nhuận từ những đâu? Đây chính là yếu tố mà các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhất. Dòng doanh thu này có thể đến từ:
- Bán sản phẩm, dịch vụ – thường là dòng doanh thu phổ biến nhất
- Phí sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ
- Tiền cho thuê, cho vay, thế chấp sản phẩm hoặc dịch vụ
- Phí cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ.
- Phí môi giới
- Phí quảng cáo
Sau khi xác định được các nguồn doanh thu rồi, chúng ta tiếp tục đưa ra mức giá hợp lý cho từng đề mục.
3.6. Nguồn lực chính (Key Resources)
Mô hình kinh doanh Canvas rất đề cao tiêu chí này. Nó mô tả những nguồn lực cần có, phải có để doanh nghiệp hoạt động được. Nguồn lực chính có thể bao gồm:
- Nguồn lực vật lý (đất đai, tài sản, tài nguyên môi trường,…)
- Nguồn lực tri thức (bằng sáng chế, công nghệ độc quyền,…)
- Nhân lực
- Tài chính
3.7. Hoạt động chính (Key Activities)
Yếu tố tiếp theo này trả lời cho câu hỏi: Doanh nghiệp sẽ thực hiện những hoạt động kinh doanh chủ yếu gì? Một doanh nghiệp tất nhiên có thể thực hiện nhiều hoạt động chính.
3.8. Đối tác chính (Key Partnerships)
Đối tác là một yếu tố nhiều người không chuyên kinh tế ít nghĩ tới khi vẽ mô hình kinh doanh mới. Đối tác chính trong hoạt động kinh doanh có thể bao gồm:
- Đối tác giữa các doanh nghiệp không phải đối thủ
- Đối tác giữa các doanh nghiệp là đối thủ nhằm kích thích thị trường
- Đối tác cùng đầu tư để tạo ra công việc kinh doanh mới
- Đối tác có quan hệ mua bán để đảm bảo đầu vào cho hoạt động kinh doanh
Tìm được đối tác chất lượng và giữ được mối quan hệ tốt lâu dài cũng quan trọng không kém giữ chân khách hàng trung thành.
3.9. Cơ cấu chi phí (Cost Structure)
Để việc kinh doanh duy trì được ổn định, doanh nghiệp cần phải bỏ ra các loại chi phí nào? Để tối đa lợi nhuận, doanh nghiệp luôn cần đặt mục tiêu giảm chi phí xuống. Chi phí có loại chi phí cố định và chi phí biến động.
Cả 9 trụ cột trong mô hình kinh doanh Canvas đều quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và quyết định đến thành bại của một doanh nghiệp. Nhưng tất nhiên không có chuyện chúng ta phải tập trung nguồn lực vào tất cả 9 tiêu chí đồng đều. Người chủ doanh nghiệp hoặc người điều hành cần chọn ra những yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện tại. Ví dụ, với startup mới bắt đầu thì cần phải tập trung hoàn thiện các giải pháp giá trị trước, tức hoàn thiện sản phẩm/dịch vụ của mình trước đã rồi mới tính đến các bước sau. Còn đối với doanh nghiệp đã hoạt động ổn định được một thời gian, đang mong muốn tăng doanh thu, phát triển thì sẽ chú trọng vào yếu tố mở rộng phân khúc khách hàng.
Mô hình kinh doanh Canvas mẫu hoàn toàn không phải lý thuyết gì vĩ mô, đòi hỏi kiến thức kinh tế chuyên sâu mới có thể thực hiện được. Bạn có thể sử dụng mô hình kinh tế thông minh, đơn giản này vào việc lập kế hoạch cho doanh nghiệp của mình giống như hàng triệu doanh nghiệp đã áp dụng và thành công.
Xem thêm bài viết liên quan: