Theo thống kê, trong năm 2020 có 874 người bị ngộ độc thực phẩm. Trong đó, có 22 người tử vong, còn lại đã được điều trị nhưng vẫn mang đến cho nạn nhân trải nghiệm khủng khiếp và biến chứng sau này. Hôm nay, cùng VinID tìm hiểu về ngộ độc thực phẩm và cách giải quyết khi chúng ta trúng độc nhé!
1. Giải đáp: Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực xảy ra khi người bệnh bị trúng độc do ăn phải những thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, ô thiu, các thực phẩm chứa nhiều hóa chất độc hại, chất phụ gia và chất bảo quản vượt quá mức cho phép.
Người bị ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể nằm viện và khỏe lại sau vài ngày, nặng có nguy cơ dẫn đến tử vong. Cho nên đây là vấn đề rất nghiêm trọng cần phải biết và phòng chống những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
2. Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng do vi sinh vật hoặc độc tố từ vi sinh vật gây ra
Người nhiễm sẽ bị đau bụng, nôn, tiêu chảy, có thể sẽ khát nước và môi bị khô. Ngoài ra, còn có thể sốt và đổ nhiều mồ hôi.
Triệu chứng ngộ độc từ các thực phẩm nhiễm hóa chất
Đây là triệu chứng ngộ độc rất nghiêm trọng, người nhiễm không chỉ bị các vấn đề về tiêu hóa mà còn cả những cơ quan khác như thần kinh và tim mạch.
Triệu chứng do các loại thực phẩm vốn đã có độc tố từ trước
Loại này xuất hiện khi nạn nhân ăn phải những thực phẩm trong tự nhiên vốn đã có độc như cá nóc. Khi bị ngộ độc nạn nhân sẽ cảm thấy buồn nôn, chóng mặt có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Những triệu chứng chung hay xuất hiện khi ngộ độc thực phẩm:
- Rối loạn thần kinh: Chóng mặt, đau đầu, mắt mờ, giọng nói ngọng, nói khó, nhìn đôi.
- Rối loạn tim mạch: Khó thở, tụt huyết áp, tim đập nhanh và không đều.
- Có máu trong phân, tiểu rát hoặc ít, đau bụng và các chỗ khác như ngực, cổ, hàm, họng.
3. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Do vi khuẩn Salmonella: khiến người nhiễm bệnh đau đầu, tiêu chảy.
- Do độc tố Staphylococcus: có nhiều trong sữa và thịt gia cầm chưa nấu chín.
- Do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum: có nhiều trong thịt cá bị ươn, ôi thiu.
- Do độc tố vi nấm Aflatoxin: có nhiều trên lạc, đậu nành, nấm, ngô hoặc các loại bột từ những hạt này bị nấm, mốc.
- Do các loại virus viêm gan A (HAV) và Norwalk: có trong các loại rau sống bị nhiễm khuẩn, hoặc ốc, hến nuôi trong môi trường nước bẩn.
- Do sán lá gan: có trong các gỏi cá sống, ốc chưa được luộc chín.
- Do các gia vị sử dụng cho món ăn: hết hạn sử dụng hoặc sử dụng quá nhiều.
4. Cách sơ cứu và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm
Bước 1: Làm cho nạn nhân nôn ra
Dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Kê phần đầu nạn nhân hơi cao để phần thức ăn không bị trào ngược vào phổi.
Bước 2: Nghỉ ngơi và uống bù nước
Khi người bệnh nôn ra cơ thể sẽ mất rất nhiều nước, cần bổ sung nước lọc cho nạn nhân. Tốt hơn, có thể cho nạn nhân uống oresol hoặc nước gạo rang để bù nước tốt hơn.
Bước 3: Gọi cấp cứu
Dù đã sơ cứu nhưng nguy hiểm vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên tốt hơn hết là nên gọi cấp cứu 115 hoặc đưa đến cửa hàng y tế gần nhất.
Ngộ độc thực phẩm thật sự rất nguy hiểm đúng không nào? Để phòng chống ngộ độc trước khi nó xảy ra với chính bản thân, gia đình mình, các bạn hãy mua những thực phẩm an toàn, chất lượng được kiểm định gắt gao tại hệ thống các siêu thị WinMart hoặc đặt hàng online thông qua app VinID nhé!
>>> Cách chữa trị dị ứng hải sản <<< |