Không riêng gì Việt Nam, trung thu còn là một ngày Tết truyền thống ở nhiều nước châu Á. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những phong tục và bản sắc riêng để chào đón dịp lễ này. Cùng tìm hiểu Tết Trung thu 2020 có gì đặc biệt? Và nghi lễ đón Tết Trung thu thay đổi như nào khi kết hợp với văn hóa bản địa nhé!
1. Tết Trung thu 2020 ngày mấy?
Bạn muốn biết Trung thu là ngày bao nhiêu để lên kế hoạch vui chơi cho các bé? Hay sắp xếp thời gian về đoàn viên cùng gia đình? Ngày lễ này hàng năm sẽ diễn ra cố định vào ngày 15/8 âm lịch. Năm nay Tết trung thu 2020 sẽ rơi vào thứ 5, ngày 01/10 dương lịch. Đây là ngày lễ truyền thống của người dân châu Á với nhiều sự kiện độc đáo, thu hút người lớn, trẻ nhỏ tham gia.
2. Nguồn gốc Tết trung thu
Tết Trung thu bắt nguồn từ nước nào? Cho đến hiện tại, nguồn gốc ngày lễ này vẫn là một ẩn số. Nhiều người cho rằng trung thu bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước của người Việt. Nhưng có ý kiến nhận định là du nhập từ văn hóa Trung Hoa trong thời gian phương Bắc đô hộ.
Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết và chưa được xác minh chính xác. Hầu hết các quốc gia tại châu Á cũng tổ chức ngày lễ này và đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa “đất nước tỷ dân”. Nhưng mỗi nơi lại có những bản sắc, phong tục riêng và những truyền thuyết dân gian xoay quanh ngày Rằm tháng 8 này. Trong đó, ba câu chuyện được biết đến nhiều nhất là: Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng dạo chơi cung trăng (Trung Quốc). Hay sự tích về chú Cuội của Việt Nam.
Dù xuất phát từ đâu, trung thu xưa vẫn đều mang ý nghĩa chào mừng lễ hội mùa vụ thu hoạch thuận lợi. Người nông dân được thoải mái nghỉ ngơi tận hưởng cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
3. Tết trung thu có những trò chơi gì?
Bao giờ cũng thế, trung thu là dịp để mọi người hòa mình vào các hoạt động vui chơi, giải trí. Không chỉ làm trẻ nhỏ háo hức, mong chờ mà còn là dịp để người lớn bồi hồi nhớ về tuổi thơ. Để tết trung thu 2020 thêm ý nghĩa và rộn ràng, đừng quên tham gia các trò chơi dân gian dưới đây nhé!
3.1. Múa lân Trung thu
Người Trung Quốc thường múa lân vào Tết Nguyên Đán, còn người Việt lại tổ chức múa lân vào Trung thu. Con lân tượng trưng cho điềm lành. Vì vậy múa lân đêm trung thu là ước mong cho những điều may mắn đến mọi nhà.
3.2. Lễ hội rước đèn Trung thu
Tết Trung thu 2020 sẽ không thể thiếu đi hình ảnh những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu tỏa sáng dưới ánh trăng vàng. Những chiếc đèn lồng có kiểu dáng khác nhau. Nào là ngôi sao, hình cá chép, hình bướm, ông sư, con thỏ, đèn kéo quân,… Hầu hết được làm thủ công bằng tre, giấy gió, tô điểm bằng nét vẽ sinh động. Hoặc cũng có nhiều loại được làm bằng nhựa chạy pin phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Theo truyền thống, trẻ em sẽ tụ tập thành đám đông, cầm những chiếc đèn đầy màu sắc trong tay đi khắp mọi ngõ ngách phố phường. Có thể đeo thêm mặt nạ giấy bồi, mặt nạ nhựa. Rồi cùng hát vang những câu ca trong bài “Rước đèn tháng 8” làm náo động không khí. Nhiều bé vui vẻ chia sẻ đây như cách thức để đón chị Hằng và chú Cuội từ cung trăng xuống chơi.
3.3. Trò chơi dân gian đêm Trung thu
Trung thu là ngày Tết mang đậm ý nghĩa văn hóa truyền thống. Do đó, khi tổ chức lễ hội trăng rằm trung thu sẽ không thể thiếu các trò chơi dân gian. Vậy bạn đã biết Tết trung thu 2020 có những trò chơi gì chưa? Hãy tham khảo những hoạt động tập thể dưới đây để mang đến cho trẻ tiếng cười và tăng tính đoàn kết nhé!
- Rồng rắn lên mây
- Chuột nhử mèo
- Trốn tìm
- Úp lá khoai
- Trò nhảy vòng
- Cam quýt mít dừa
- Đốt pháo hạt bưởi
- Trò Trời – Đất – Nước
4. Tết Trung thu ở các nước châu Á có gì khác nhau?
Trung thu là một trong những lễ hội truyền thống lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả những nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… Mỗi quốc gia với đặc trưng riêng về văn hóa lại có những phong tục khác nhau để chào đón ngày đặc biệt này. Cùng ghé qua một số nước châu Á để xem người dân ở đây đón trung thu như thế nào nhé!
4.1. Tết Trung thu Hàn Quốc
Tết Trung thu ở Hàn Quốc có tên gọi là Chuseok, diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch. Người dân sẽ được nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích trong 3 ngày như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.
Xét về nghĩa đen, Chuseok là “đêm mùa Thu” – đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm. Ngoài ra, vì ngày lễ này đúng vào mùa thu hoạch lúa và các nông sản khác nên còn mang ý nghĩa là “lễ thu hoạch” hay hội mùa.
Người dân xứ sở kim chi sẽ sử dụng các sản phẩm mới thu hoạch được như thịt, cá, rau quả, bánh gạo… để chế biến thành các món ăn kính dâng lên tổ tiên. Trong đó không thể quên món bánh trung thu Songpyeon hình bán nguyệt. Bánh làm từ gạo nếp có màu sắc bắt mắt và phần nhân đa dạng như vừng, đậu đỏ, đậu xanh, hạt dẻ,… Đặc biệt còn có tục tảo mộ vào dịp Tết này để biết ơn những thế hệ đi trước.
4.2. Tết Trung thu ở Nhật Bản
Tết Trung thu ở Nhật Bản đã có từ hơn 1000 năm trước. Và sẽ được tổ chức 2 lần/năm vào ngày 15/8 âm lịch và ngày 13/9 âm lịch. Ngày lễ đầu tiên – Zyuyoga gắn liền với phong tục ngắm trăng Otsukimi “Đêm 15”. Ngày thứ hai – Zyusanya được gọi là “trăng sau” hay “Đêm 13″. Theo quan niệm của người Nhật, để tránh những điều không may thì nhất định phải ngắm trăng trong cả hai đêm này.
Các phong tục truyền thống phải kể đến trang trí nhà bằng cỏ susuki (cỏ bông bạc hoặc cỏ mèo). Chuẩn bị bánh gạo nếp Tsukimi-Dango, Edamame (đậu nành luộc), hạt dẻ… Người dân sẽ bày thành một mâm lớn trước nhà để vừa thưởng thức vừa ngắm trăng, chuyện trò. Trẻ nhỏ thì được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng hình cá chép để rước đèn. Loại đèn này tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là với các bé trai.
4.3. Tết Trung thu Trung Quốc
Đây là lễ hội lớn thứ hai tại Trung Quốc. Theo truyền thống, người dân sẽ trở về bên gia đình, cùng ăn tối và chiêm ngưỡng mặt trăng tròn vành vạnh, nhâm nhi bánh trái. Hơn hết là thầm cầu chúc những điều may mắn đến nhau. Thú vị hơn, mọi người có thể cùng nhau thả đèn hoa đăng cạnh bờ sông hoặc thả đèn lồng Khổng Minh lên trời. Và thỏa sức ngắm nhìn sự lung linh, huyền ảo của đêm trăng rằm.
4.4. Tết Trung thu ở Việt Nam
Theo phong tục người Việt mỗi dịp Trung thu, mọi người sẽ làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ bánh để thưởng nguyệt. Hai loại bánh đặc trưng phải kể tới bánh nướng và bánh dẻo với vị ngon khó cưỡng.
Ngoài ra, đây là ngày Tết dành cho thiếu nhi nên vào đêm rằm tất nhiên sẽ có nhiều hoạt động vui chơi. Các trò chơi dân gian, các chương trình văn nghệ rộn rã. Người Việt cũng tổ chức múa lân trong dịp này. Hình tượng con lân tượng trưng cho điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng.
Tết Trung thu 2020 ở mỗi nơi sẽ mang một nét văn hóa đặc trưng khác nhau. Nhưng chung quy vẫn là dịp đoàn viên, gắn kết tình cảm gia đình. Và sẽ thật ý nghĩa nếu bạn có thể tự tay vào bếp làm những món bánh truyền thống để dâng lên đất trời, tổ tiên. Hay dành tặng những người mà mình yêu thương.
MỞ APP VINID – MUA BÁNH TRUNG THU CAO CẤP!
Xem thêm bài viết liên quan:
Bạn ở Hà Nội hay Sài Gòn, Tết Trung thu đi chơi ở đâu bạn đã biết chưa ?
Quẩy tưng bừng với 11 trò chơi Trung thu vui nhộn từ truyền thống đến hiện đại