Các mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) được Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành quy định như thế nào? Đối tượng tham gia BHXHTN là những ai? Trình tự, thủ tục tham gia BHXHTN gồm những gì? VinID sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những vấn đề này qua bài viết dưới đây.
1. Giải đáp: Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
1.1. Khái niệm
Theo Khoản 3, Điều 3, Luật BHXH 2014 chỉ rõ: “BHXHTN là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.”
1.2. Đối tượng tham gia
Căn cứ theo Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 18/02/2016 chỉ rõ đối tượng tham gia BHXHTN (quy định rõ tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP) là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH.
Tại khoản 1 Điều 8 Quyết định 595/QĐ-BHXH cũng liệt kê cụ thể những đối tượng được tham gia BHXHTN gồm:
- Người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động dưới 1 tháng.
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, làng, sóc, tổ dân phố, khu, khu phố.
- NLĐ giúp việc gia đình.
- Người tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhưng không hưởng lương.
- Xã viên không hưởng lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
- Người nông dân, NLĐ tự tạo việc làm.
- NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu hằng tháng.
- Người tham gia khác.
2. Các mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Pháp luật
Theo quy định tại Điều 87 Luật BHXH năm 2014, NLĐ tham gia đóng BHXHTN hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 – Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 thì từ ngày 01/01/2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tăng lên 1.500.000 đồng/người/tháng (Thay vì 700.000 đồng/người/tháng như những năm trước). Do đó, mức đóng BHXHTN sẽ thay đổi như sau:
Mức đóng BHXHTN thấp nhất là: 22% x 1.500.000 đồng = 330.000 đồng/ tháng. Mức này tăng 176.000 đồng/ tháng so với mức đóng BHXHTN năm 2021.
Trong năm 2022, lương cơ sở vẫn là 1,49 triệu đồng/tháng nên mức đóng BHXHTN tối đa là: 1.490.000 đồng x 20 = 29.800.000 đồng/tháng.
Lưu ý:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định người tham gia BHXHTN đã đóng theo phương thức 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch so với tiền đã đóng khi Chính phủ áp dụng mức chuẩn hộ nghèo nông thôn mới.
3. Phương thức đóng và thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Hiện nay, phương thức đóng BHXHTN rất linh hoạt nên người tham gia có thể lựa chọn theo nhu cầu để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
5 phương thức đóng BHXH tự nguyện gồm:
- Đóng hàng tháng
- Đóng 3 tháng/lần
- Đóng 6 tháng/lần
- Đóng 1 năm/lần
- Đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần.
(Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP)
Trong trường hợp người tham gia BHXH đã đủ Điều kiện về tuổi để hưởng chế độ hưu trí nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), còn được lựa chọn phương thức đóng 1 lần cho đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu.
Ví dụ:
Ông A đến tháng 10/2021 đủ tuổi về hưu và đóng BHXH được 8 năm. Ông A muốn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ Điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng và lựa chọn phương thức đóng 2 năm/ lần cho giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 10/2023. Tức là đến tháng 11/2023 ông A đã có đủ 10 năm đóng BHXH và sẽ đóng thêm 1 lần cho 10 năm còn thiếu.
Tính đến hết tháng 11/2023, ông A đủ tuổi nghỉ hưu cũng như có 20 năm đóng BHXH. Đúng theo quy định thì ông A đã đủ Điều kiện hưởng lương hưu và lương hưu của ông A sẽ được hưởng kể từ tháng 12/2023.
4. Cách tính lương hưu BHXH tự nguyện
Tại điều 169 Bộ luật Lao động thì tuổi nghỉ hưu của NLĐ năm 2021 và năm 2022 sẽ được quy định như sau:
- Năm 2022, NLĐ trong điều kiện lao động bình thường thì tuổi nghỉ hưu với nam giới là đủ 60 tuổi 6 tháng, nữ giới là đủ 55 tuổi 8 tháng.
- Năm 2021, NLĐ trong điều kiện lao động bình thường thì tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng.
Mức hưởng lương hưu hàng tháng của NLĐ được tính theo công thức:
Lương hưu = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng x Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
Căn cứ Luật BHXH năm 2014 thì cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu năm 2021 và năm 2022 có sự thay đổi đối với lao động nam như sau:
- Năm 2021, NLĐ đóng 19 năm BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%. Cứ thêm mỗi năm tính thêm 2%, mức hưởng tối đa là 75%.
- Năm 2022, tỷ lệ hưởng lương hưu mới là 45% nếu NLĐ đóng đủ 20 năm BHXH. Cứ thêm mỗi năm tính thêm 2%, mức hưởng tối đa là 75%.
Với NLĐ nữ thì tỷ lệ hưởng lương hưu năm 2022 không thay đổi so với năm 2021. Cụ thể:
- NLĐ nữ đóng đủ 15 năm BHXH sẽ được tính 45%. Cứ thêm mỗi năm tính thêm 2% và tỷ lệ hưởng tối đa là 75%.
Như vậy, tuổi nghỉ hưu của NLĐ nam năm 2022 sẽ tăng lên 3 tháng so với năm 2021. Đối với NLĐ nữ tuổi nghỉ hưu tăng 4 năm so với năm 2021. Về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng đối với lao động nam năm 2022 sẽ tăng thêm 01 năm so với năm 2021.
Trên đây là tất cả những thông tin liên quan về BHXHTN cũng như các mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động. Bạn có thể cân nhắc tham gia loại hình bảo hiểm này để đảm bảo cuộc sống cho mình và gia đình. Đừng quên, truy cập ngay VinID Blog để biết thêm các thông tin hữu ích khác nhé!
>>> Cách tra cứu BHXH nhanh chóng <<< |