Theo quan niệm dân gian, những việc làm trong ngày Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó sẽ có ảnh hưởng đến vận hạn cả năm. Việc mua bán, ăn uống cũng không phải ngoại lệ. Vậy đầu năm kiêng gì? Dưới đây là những điều bạn cần tránh để có một năm mới suôn sẻ, trọn vẹn và vạn sự hanh thông.
1. Những món đồ không nên mua vào đầu năm để cả năm may mắn và bình an
1.1. Quần áo
Mua quần áo là điều nên kiêng kỵ trong dịp đầu năm mới. Nhất là những trang phục có gam màu trắng hoặc đen. Bởi màu sắc này tượng trưng cho tang tóc, sinh ly tử biệt, mang lại những điều không may mắn cho bạn và gia đình.
Nếu muốn mua quần áo diện Tết bạn nên mua vào dịp cuối năm và chọn những màu như đỏ để cầu may. Vừa có nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, vừa không ảnh hưởng đến vận hạn.
1.2. Đồng hồ
Đồng hồ là món đồ không nên mua vào dịp đầu năm bởi nó biểu trưng cho thời gian. Nếu không may bạn mua phải đồng hồ chết máy hay bị hỏng thì đồng nghĩa thời gian của bạn cũng sẽ bị đóng băng, đứng lại. Bạn hoặc thành viên trong gia đình sắp có biến cố hay sinh ly tử biệt.
Nếu đồng hồ trong nhà hư thì hãy chờ đợi hết tháng Giêng âm lịch hãy thay đổi một chiếc mới. Đây cũng là cách để bạn đề phòng một số điều không may mắn xảy ra.
1.3. Vật sắc nhọn
Bạn nên tránh mua những vật dụng sắc nhọn như dao, kéo,… trong những ngày đầu năm mới. Bởi dân gian có quan niệm những đồ dùng này sẽ đem lại điềm xấu, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe hay việc làm ăn.
Mặt khác, những vật dụng sắc nhọn còn có nghĩa là tà khí, sát khí, ma quỷ đeo bám, cắt đứt tình duyên, tuổi thọ của bạn. Nếu phạm vào điều tối kỵ này thì trong năm bạn và gia đình sẽ gặp phải nhiều chuyện rắc rối, đau buồn.
1.4. Không mua mèo
Các cụ thường bảo “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” nên hãy cứ tin tưởng và tránh rước mèo về nhà trong dịp đầu xuân nhé! Điều này sẽ giúp bạn tránh được những vận xui liên quan đến con đường công danh sự nghiệp, gia đạo trong năm 2022.
2. Những món ăn nên kiêng cữ trong ngày đầu năm
2.1. Thịt chó
Đối với cánh mày râu thịt chó là món ăn khoái khẩu. Nhưng theo quan niệm dân gian thịt chó có tác dụng giải đen nên chỉ được ưa chuộng vào cuối tháng. Bởi vậy, người Việt đầu năm thường kiêng kỵ món này để tránh xui xẻo, đen đủi.
2.2. Mực
Mực tuy là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng nó còn mang ý nghĩa cho sự đen đủi. Nếu sử dụng loại hải sản này chế biến các món ăn cho ngày đầu năm thì cả tháng, cả năm đó sẽ gặp vận xui. Ngoài ra, những người đi xa, chuẩn bị thi cử, mở hàng, khai trương,… cũng thường kiêng kỵ món ăn này.
2.3. Tôm
Người miền Nam đa số sẽ không ăn tôm vào bữa cơm đầu năm, đầu tháng. Tôm vốn có đầu to, di chuyển giật lùi nên họ cho rằng ăn tôm vào thời điểm này sẽ chỉ lùi chứ không tiến. Mọi công việc bị đình trệ, không thể phát triển. Bên cạnh đó, đầu tôm chứa chất bẩn nên dân quan niệm ăn vào sẽ khó giữ đầu óc thông suốt.
2.4. Thịt vịt
Đối với người dân miền Bắc và miền Trung thì thịt vịt luôn nằm trong danh sách những món nên kiêng ăn vào ngày đầu tháng. Lý do là vì loài gia cầm này mang ý nghĩa “tan đàn, xẻ nghé” nên cũng giống như thịt chó món này chỉ “đắt hàng” vào cuối tháng để giải hạn.
2.5. Cá mè
Tương tự như thịt vịt, trong tiềm thức của người miền Bắc, Trung cũng đều biết cá mè là món ăn không bao giờ được sử dụng trong dịp đầu năm.
Theo lý giải, bản chất cá mè trong dân gian được đánh giá thấp hèn và có câu ca dao “Cá mè một lứa” để ám chỉ việc này. Hiểu đơn giản là ăn cá mè năm mới sẽ khiến bạn làm việc gì cũng không được tín nhiệm và rất đen đủi. Thêm nữa, cá mè còn rất tanh và nhiều xương nên ăn vào cả năm sẽ không được thơm tho, mọi chuyện dễ bị khúc mắc, khó giải quyết.
2.6. Chuối
Trong tiếng miền Nam khi nói lái từ “chuối” sẽ thành “chúi” tức là không thể ngẩng đầu lên được. Bởi vậy, họ kiêng ăn chuối vào thời điểm Tết đến xuân về. Còn người miền Bắc thì họ chỉ kiêng ăn chuối tiêu vào ngày mùng 1 vì sợ bị tiêu tán, hao hụt tiền tài, lợi lộc.
2.7. Trứng vịt lộn
Đây là món ăn mà ở một số vùng miền hay kiêng cữ. Họ cho rằng ăn trứng vịt lộn thì làm gì cũng đảo ngược, nhầm lẫn hoặc bị xáo trộn. May mắn bị hóa thành xui xeo, thành công chuyển thất bại, vui hóa buồn, hạnh phúc thành khổ đau. Chính bởi vậy nên phải tránh xa và tuyệt đối không nên ăn trứng vịt lộn vào những ngày đầu năm cho đến hết rằm tháng Giêng.
2.8. Sầu riêng
Dù không mang ý nghĩa tâm linh gì nhưng sầu riêng vẫn được liệt kê vào danh sách những món đầu năm nên kiêng. Bởi cái tên sầu riêng cũng đã ẩn chứa ý nghĩa buồn rầu, phiền não, lẻ loi, không mấy tốt đẹp cho không khí ngày Tết.
2.9. Mắm tôm
Mắm tôm vốn nặng mùi nên sẽ mang lại xui xẻo cho người ăn. Vào dịp đầu tháng và đầu năm, nhiều người dân đặc biệt là người miền Bắc kiêng ăn loại mắm này. Đặc biệt, nếu ai đó đi lễ đình, chùa, đền, miếu… hay những nơi thiêng liêng họ cũng tránh xa vì sợ ô tạp, hôi hám, thậm chí là báng bổ đến thần linh.
2.10. Cam, lê
Cam và lê là 2 loại trái cây rất tốt cho sức khỏe nhưng vào những ngày đầu tháng, đầu năm, đa số người miền Nam đều kiêng ăn. Họ giải thích rằng “Quýt làm, cam chịu” hay “lê lết” đều mang hàm ý xui rủi nên họ thường không bày biện các loại quả này trên mâm ngũ quả.
2.11. Những món quá chua, cay, mặn
Người miền Nam cũng hạn chế ăn những món quá chua, cay, mặn trong những ngày Tết. Nguyên nhân là vì năm mới mọi người thường chọn những món ăn có hương vị ngọt ngào để cả năm được trôi qua một cách bình yên và suôn sẻ. Họ kị những món ăn đó vì chứa hương vị của sự khổ đau, chua chát.
3. Những kiêng kỵ cần tránh trong dịp đầu năm mới
3.1. Kiêng quét nhà, đổ rác
Người Việt cho rằng đầu năm mà quét nhà thì mọi tài lộc, điều may mắn sẽ theo rác đi mất. Chính vì vậy, trước 30 Tết, mọi người đều tranh thủ dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa cho sạch sẽ, khang trang để đón năm mới tươm tất.
Nhưng thực tế, việc đón tiếp khách hay ăn uống tại nhà không thể không dọn dẹp và đổ rác. Một số nơi nghĩ ra cách không quét hất ra cửa mà quét vào trong hay dồn vào một góc để đỡ… “mất lộc”. Khi nào hóa vàng thì mới dọn chỗ rác đó đổ đi.
3.2. Không nên khóc lóc
Đầu năm người ta cũng kiêng mè nheo, khóc lóc vì sẽ mang theo trường khí xấu và gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý chủ nhà.
3.3. Tránh làm đổ vỡ đồ đạc
Người xưa kiêng làm vỡ bát đĩa, ấm chén vào ngày Tết vì cho rằng đổ vỡ sẽ gây ra sự tan nát, chia ly. Khi rửa hay sử dụng những đồ dùng này bạn cần hết sức thận trọng.
3.4. Không cho nước, lửa
Quan niệm dân gian cho rằng lửa mang lại may mắn đầu năm nên chỉ đi xin chứ không cho. Nước cũng được ví như tài lộc nên cũng cần kiêng cho nước 3 ngày đầu năm vì sợ hao tiền tài, mất lộc. Do đó mới có phong tục đến đình, chùa để xin “lộc” với hy vọng cả năm gặp được nhiều may mắn.
3.5. Không tranh cãi, bất hòa
Đầu năm mọi người nên niềm nở, giữ hòa khí dù có bất đồng, xích mích để ngày Tết luôn vui vẻ. Ngay cả khi trẻ con phạm lỗi hay nghịch ngợm cũng dễ được mọi người bỏ qua.
3.6. Không cho vay tiền
Đi vay đầu năm được cho là khiến cả năm túng thiếu. Còn cho vay sẽ khiến tiền bạc phân tán. Do vậy, bạn nên kiêng đi vay, cho vay cũng như đòi nợ đầu năm. Ngay cả trong công việc, cũng không nên hối thúc người khác phải hoàn thành ngay vì cho rằng điều này sẽ đem lại sự xui xẻo.
3.7. Không được thiếu gạo
Trong phong thuỷ, những vật dùng để chứa, đựng đều mang vận may và có ý nghĩa tốt lành nên không được để trống rỗng hay gần hết vào những ngày Tết. Vì thế, các bà nội trợ trước đêm giao thừa thường đổ đầy hũ gạo để tránh những điều xui xẻo và mong muốn gia đình có một năm no đủ, kinh tế dồi dào.
4. Giải đáp thắc mắc về những điều không nên làm trong năm mới
4.1. Đầu năm không nên mặc đồ màu gì?
Ngày Tết không nên mặc trang phục màu đen hay xám. Bởi theo tâm niệm, đây là những màu tạo cảm giác tiêu cực, thể hiện sự u ám, đen tối và những điều tồi tệ không phù hợp với không khí vui tươi đầu năm. Thay vào đó, bạn nên mua mẫu trang phục mang tông màu tươi sáng, nổi bật như đỏ, vàng kim.
4.2. Đầu năm làm bể ly có sao không?
Như đã nói ở trên, ngày Tết kiêng kỵ rơi vỡ đồ, đặc biệt là ngày mùng 1 Tết. Việc rơi bể ly là điềm không tốt, báo hiệu sự chia cắt, những điều không may mắn sẽ xảy ra trong năm đó.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phong thủy cho rằng thực chất tục kiêng làm vỡ ly là chỉ muốn nhắc nhở mọi người cần cẩn trọng trong hành động, lời ăn tiếng nói của mình. Nếu không may làm vỡ, cũng đừng quá lo lắng và tự trấn an tiếng đổ vỡ là tiếng động tốt, mang lại may mắn. Chỉ cần dọn dẹp cẩn thận và an toàn là được.
4.3. Người có tang kiêng gì trong ngày Tết?
Ở Việt Nam có phong tục kiêng những chuyện buồn ngày đầu năm. Có tang thì cũng cất khăn tang 3 ngày Tết hoặc nếu có người mất vào 30 Tết thì để sau một vài ngày mới phát tang. Người có tang (có bụi) cũng không được đi xông đất hay sang nhà khác chúc Tết vì có thể mang tới vận rủi cho gia chủ trong năm mới.
Qua bài viết trên hy vọng các bạn đã biết đầu năm kiêng gì để cả năm luôn suôn sẻ, may mắn, đủ đầy. Tuy nhiên, thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, đừng quá đặt nặng và áp dụng máy móc những điều này. Sự thoải mái, vui vẻ chính là phong thủy tốt nhất giúp vận trình cả năm được hanh thông, mọi chuyện xui sẽ được hóa giải.
>>> Đầu năm có nên cắt tóc không? <<< |